Nhà Minh bắt đầu từ lúc lập quốc trải qua các triều đại Vĩnh Đại, Tuyên Đức, Thành Hóa, Hoằng Trị chính trị và văn hóa đều không ngừng phồn vinh, hội họa cung đình cũng đạt đến giai đoạn hưng thịnh nhất. Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ, Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm, Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường… đều rất giỏi hội họa. Sau thời Hoàng đế Tuyên Đức (tức Minh Tuyên Tông 1425 – 1435), họa sĩ cung đình không ngừng gia tăng, nhân tài đông đảo. Họa sĩ nổi tiếng có Tạ Hoàn, Thương Hỷ, Nghê Đoạn, Lý Tại, Thạch Nhuệ, Châu Văn… Hội họa của họ, kỹ nghệ toàn diện, truyền dạy “viện thể”(tranh vẽ vườn) Nam Tống, mỗi người đều có điểm độc đáo riêng.
Đa số các họa sĩ thời bấy giờ đều được sắp xếp ở các cung điện Nhân Trí, Vũ Anh, Văn Hoa, Hoa Cái để trực đêm, và được ban chức vụ và chức danh các cấp quan võ cẩm y vệ. Cẩm y vệ vốn là cấm vệ quân của hoàng đế, chuyên làm những công việc quản lý thị vệ, bắt người, hình ngục và bổ sung vào đội cầm lọng vác cờ của hoàng cung. Ban chức quan võ cẩm y vệ cho họa sĩ là hiện tượng đặc biệt của họa viện Minh triều. Trong cung đình nhà Minh không có cơ cấu thiết lập riêng cho họa sĩ, vì vậy các họa sĩ cung đình lúc đó đành phải dùng chức quan của các bộ phận khác, trong đó chức quan võ cẩm y vệ chiếm tỷ lệ khá lớn.
Họa sĩ được ban cho chức quan võ cũng có phân biệt phẩm cấp, cấp cao nhất là đô chỉ huy, các cấp thấp theo thứ tự là chỉ huy, thiên hộ, bách hộ, trấn phủ, và có thể thăng cấp theo công lao. Tuy họ không biết võ công nhưng vẽ tranh lại cực kỳ tài hoa, luôn được sự khen thưởng của Hoàng đế, nên mới được đề bạt ban cho chức quan cẩm y vệ. Ban cho chức họa sĩ cẩm y vệ, còn vì nhu cầu quản lý, nhưng họ chỉ nhận lương bổng, không làm việc theo chức vụ, cũng không có quyền hành thực sự.
Hội họa cung đình trong thời kỳ này, từ những tác phẩm còn lưu giữ đến ngày nay cho thấy, ý tưởng cho tranh nhân vật phần lớn là miêu tả các câu chuyện về “thánh chủ hiền thần” (vua anh minh sáng suốt và thần tử trung thành tài giỏi) của đời trước. Lựa chọn chủ đề này, hàm chứa một ý nghĩa nhất định về việc mượn chuyện thời xưa để ca tụng thời nay. “Quan Vũ cầm tướng đồ” (tranh Quan Vũ bắt tướng) của Thương Hỷ chính là một trong những ví dụ điển hình.
Thương Hỷ, không rõ năm sinh và năm mất, những năm Tuyên Đức (1425 – 1435) phục vụ cho cung đình, giỏi hội họa, đặc biệt sở trường về tranh lịch sử, tranh nhân vật và tranh sơn thủy, chim chóc cây cảnh, chức quan chỉ huy cẩm y vệ. Tác phẩm được lưu truyền đến ngày nay là “Minh Tuyên Tông hành lạc đồ” được lưu giữ ở Viện bảo tàng Cố cung, vẽ khung cảnh đi săn của Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ. Nhân vật mang đặc điểm của tranh chân dung, xung quanh vẽ núi đá cây cối, kiến trúc rừng cây, khung cảnh rộng lớn, kỹ thuật vẽ vô cùng tinh tế, cách vẽ sống động. Còn “Quan Vũ cầm tướng đồ” thì màu sắc tươi sáng sinh động, có hiệu ứng của bích họa.
“Quan Vũ cầm đồ tướng” vẽ về câu chuyện Quan Công dìm bảy đạo quân, bắt sống địch tướng Bàng Đức trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Lưu Bị tự phong Hán Trung Vương, bái Quan Vũ làm tiền tướng quân. Cùng năm đó, Quan Vũ đưa quân đánh vào Phàn Thành do Tào Hồng trấn thủ. Tào Hồng sai Vu Cấm, Bàng Đức làm tiên phong đi cự lại Quan Vũ. Lúc bấy giờ là tháng 8 đang vào mùa mưa, nước lũ dâng cao, Quan Vũ bày kế, khiến cho bảy đạo quân của Vu cấm đều bị dìm xuống nước. Quan Vũ thừa thắng xông lên, Vu Cấm thua trận đầu hàng, còn Bàng Đức thì bị Quan Vũ giết chết.
Nhân vật trong tranh này cao lớn, khí thế hùng hồn. Toàn bộ nhân vật trong tranh có 6 người, sắp xếp thành hai nhóm, tỷ lệ nhân vật, tư thế, thái độ đều mỗi người mỗi vẻ. Nhân vật chính trong tranh là Quan Vũ, khăn màu xanh lam, áo bào màu xanh lá cây, râu dài mượt mà, thần thái khí khái, thân mặc khải giáp, tay ôm một bên đầu gối ngồi dưới tán cây tùng, ngưng thần ngồi ngay thẳng, ung dung tự đắc.
Bàng Đức để trần phần thân trên, vẫn đang trợn mắt nghiến răng, không ngừng vùng vẫy, không cam chịu bị trói buộc. Giữa các nhân vật trong tranh có sự phối hợp từ xa, nhân vật chính là hai người ở vị trí chéo nhau trong nhau, một người là Quan Vũ ngồi ở chỗ cao trên các bậc đá, một người là Bàng Đức bị trói trên đất phía dưới các bậc đá. Hai nhân vật hình thành sự tương phản mạnh mẽ và sự xung đột rất kịch tính. Biểu hiện của những nhân vật khác cũng thêm phần nhấn mạnh điểm trung tâm của bức tranh này. Hai viên tướng của nước Thục, một người đang đóng cái cọc trói chân Bàng Đức xuống đất, người còn lại dùng một tay đè mạnh lên vai Đàng Đức một tay nắm lấy tóc của hắn.
Đứng bên phải Quan Vũ là Chu Thương mặt đen râu xồm, dũng mãnh uy nghiêm tay cầm đao, bên trái là Quan Bình mặt trắng râu thưa đang rút kiếm ra hù dọa. Đặc biệt là Bàng Đức ngoảnh mặt làm ngơ, một phó tướng như muốn xoay đầu Bàng Đức lại để ép hắn nghe tra thẩm, phương pháp miêu tả này làm tăng thêm sự xung đột rất kịch tính. Trong bức tranh này Thương Hỷ sử dụng cách vẽ tương phản, Bàng Đức càng hung hăng thì càng có thể lột tả được oai phong của Quan Vũ, một tĩnh một động, chứa đầy kịch tính, trong tranh Quan Vũ và Bàng Đức được vẽ nổi trội hơn những nhân vật khác, biểu lộ rõ nhân vật trọng tâm của bức tranh.
Kích thước của bước tranh này rất lớn, có thể là bản thảo bích tường tô bột, nhân vật cao lớn, khí thế hào hùng. Độ di chuyển các đường nét trên trang phục của nhân vật trong tranh uyển chuyển mềm mại, mạnh mẽ dứt khoát. Màu sắc tươi sáng sinh động, sử dụng kỹ thuật pha màu và trộn bột xanh đỏ vàng từ thạch thanh, đại lục, chu sa, màu vàng đất v..v… kế thừa chính thống hội họa trộn màu của nhà Đường và nhà Tống. Còn về cảnh núi đá suối nước bổ sung trong tranh là kế thừa tranh sơn thủy vườn tược thời Nam Tống, hậu cảnh núi đá sử dụng bút pháp phù phách thuân, ngòi bút dựng đứng, vẽ lướt dứt khoát cũng phù hợp với khí thế của toàn bộ cảnh tượng. Những bộ áo giáp được vẽ phức tạp nhưng không rối, làm cho toàn bộ nhân vật và tình tiết câu chuyện trong tranh thể hiện được sự đầy đủ trọn vẹn, vô cùng hợp lý.
“Quan Vũ cầm tướng đồ” là một tác phẩm hội họa thời kỳ đầu sử dụng tài liệu lịch sử để làm chủ đề tranh vẽ, có giá trị lịch sử quan trọng. Trong tranh này thể hiện được tính khí trung trực và sự dũng mãnh trung thành của Quan Vũ, đây là một trong những phẩm chất tốt đẹp của người xưa để tận trung báo quốc với triều đình.